Kinh nghiệm Quy định về chiết khấu thương mại và những điểm kế toán...

Quy định về chiết khấu thương mại và những điểm kế toán cần lưu ý

2277

Trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, chiết khấu thương mại là một phần không thể thiếu. Vậy, quy định về chiết khấu thương mại như thế nào? Bài viết dưới đây, Ketoan.vn sẽ chia sẻ cho các bạn kế toán về những điểm cần lưu ý về quy định về chiết khấu thương mại.

Quy định về chiết khấu thương mại và những điểm kế toán cần lưu ý

1. Chiết khấu thương mại là gì?

Chiết khấu thương mại là khoản tiền chênh lệch giá bán nhỏ hơn giá niêm yết của doanh nghiệp, giảm trừ cho người mua hàng do việc khách hàng đã mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ với khối lượng lớn, theo thỏa thuận về chiết khấu thương mại trên hợp đồng kinh tế hoặc các cam kết mua bán hàng hóa, dịch vụ.

2. Quy định về chiết khấu thương mại

2.1. Về hóa đơn chiết khấu thương mại

Căn cứ quy định tại điểm 2.5, Khoản 2, Phụ lục 4, Thông tư 39/2014/TT-BTC về hóa đơn GTGT hàng chiết khấu thương mại.

Ba trường hợp viết hóa đơn có chiết khấu thương mại:

  • Viết hóa đơn chiết khấu thương mại theo từng lần mua hàng
  • Viết hóa đơn chiết khấu thương mại khi mua hàng với số lượng lớn
  • Viết hóa đơn chiết khấu thương mại khi kết thúc chương trình khuyến mại.

2.2. Về Thuế GTGT

Theo khoản 22, Điều 7, Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về giá tính thuế của hàng bán có chiết khấu thương mại, thì:

  • Giá tính thuế là giá đã chiết khấu
  • Trường hợp chiết khấu sau khi đã xuất hóa đơn bán hàng thì bên bán hàng phải xuất hóa đơn điều chỉnh số chiết khấu, doanh thu, thuế.
  • Bên bán và bên mua sẽ căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh để điều chỉnh doanh thu mua, bán và thuế.

2.3. Về Thuế TNDN

Chiết khấu thương mại sau khi xuất hóa đơn điều chỉnh thì bên bán và bên mua sẽ đều phải điều chỉnh giảm doanh thu mua vào bán ra không kê khai khi tính thuế TNDN.

3. Những lưu ý về chiết khấu thương mại

3.1. Khoản chiết khấu thương mại có giảm trừ khi tính thuế TTĐB

Theo Công văn số 28546/CT-TTHT: “Do có sự bất nhất giữa hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại Công văn số 5230/TCT-DNL và Cục Thuế TP. Hà Nội tại Công văn số 28546/CT-TTHT nên với sự dè dặt cần thiết, hướng dẫn dưới đây cần có sự tham vấn kỹ hơn trước khi vận dụng.”

Giá tính thuế TTĐB của các mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB được xác định theo công thức sau:

Giá tính thuế TTĐB = (Giá bán chưa có thuế GTGT – Thuế BVMT)/(1+Thuế suất thuế TTĐB)

Trong đó:

  • Giá bán chưa có thuế GTGT là giá đã chiết khấu thương mại cho khách hàng.
  • Khi phát hành hóa đơn điều chỉnh giảm doanh thu với số tiền chiết khấu thì số thuế TTĐB cũng được điều chỉnh giảm một cách tương ứng tính trên số tiền chiết khấu đó.

3.2. Chiết khấu thương mại cho đại lý nếu trả bằng tiền phải nộp 1% thuế TNCN

Căn cứ theo Công văn số 1615/TCT-CS: “Cùng là khoản chiết khấu thương mại cho đại lý, nếu giảm trừ trực tiếp trên hóa đơn bán hàng thì được miễn thuế TNCN. Nhưng nếu chi trả bằng tiền thì phải khấu trừ 1% thuế TNCN.”

3.3. Chiết khấu thương mại theo hợp đồng mua hàng được miễn tính thuế TNCN

Quy định tại điểm c khoản 2 và điểm b khoản 6 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC nêu rõ:

  • Hoa hồng đại lý bán hàng hóa  và tiền trúng thưởng khuyến mại khi mua hàng hóa là thu nhập chịu thuế TNCN.
  • Chiết khấu thương mại bằng cách giảm trừ trực tiếp trên hóa đơn mua hàng sẽ được khấu trừ 1% thuế TNCN.

3.4. Hóa đơn điều chỉnh chiết khấu thương mại phải đính kèm bảng kê

Theo Công văn số 2721/TCT-CS, số tiền chiết khấu thương mại có thể giảm trừ trực tiếp vào hóa đơn của lần mua hàng tiếp theo. Tuy nhiên, nếu không thể hoặc lỡ quên giảm trừ thì sẽ được lập một hóa đơn điều chỉnh để ghi giảm doanh thu bán hàng. Hóa đơn này bắt buộc phải đính kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh,nêu rõ số tiền và số thuế điều chỉnh.

3.5. Không được lập hóa đơn để thu tiền chiết khấu thương mại

Theo Công văn số 13457/CT-TTHT, một khoản chiết khấu thương mại chỉ được phép giảm trừ trực tiếp trên hóa đơn của lần mua kế tiếp hoặc sau cùng. Nếu chưa kịp giảm trừ thì được phép lập hóa đơn điều chỉnh và căn cứ vào hóa đơn đó, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh thu mua, bán, thuế đầu vào, đầu ra.

Cũng theo Công văn số 1615/TCT-CS, khoản chiết khấu thương mại có thể được chi bằng tiền nhưng chỉ được chi cho cá nhân là người tiêu dùng hoặc cá nhân làm đại lý bán hàng.

Trên đây là một số quy định về chiết khấu thương mại mà bạn cần nắm vững.

Xem thêm các bài viết tại

Cách hạch toán chiết khấu thanh toán cho doanh nghiệp

Phân biệt chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán

Nắm vững khái niệm doanh thu bán hàng và chiết khấu bán hàng