Kế Toán Tổng Hợp Định khoản - Hạch toán Hướng dẫn hạch toán kế toán mua hàng theo phương thức gửi...

Hướng dẫn hạch toán kế toán mua hàng theo phương thức gửi hàng

1123

Có 2 phương thức mua hàng là mua hàng trực tiếp và mua theo phương thức gửi hàng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin cho bạn đọc về kế toán mua hàng theo phương thức gửi hàng.

Hướng dẫn hạch toán kế toán mua hàng theo phương thức gửi hàng

Mua hàng theo phương thức gửi hàng là gì?

Trước hết hãy cùng tìm hiểu mua hàng theo phương thức gửi hàng là gì? Mua hàng theo phương thức gửi hàng được hiểu là việc bên bán chuyển hàng đến cho bên mua và giao hàng tại kho người mua hoặc một địa điểm đã được quy định trong hợp đồng. Chi phí vận chuyển bên nào phải trả tùy thuộc vào Hợp đồng ký kết giữa hai bên.

Theo đó có 3 trường hợp có thể xảy ra khi mua hàng theo phương thức này. Cụ thể:

– Hàng và hóa đơn cùng về.

– Hàng về trước, hóa đơn về sau.

– Hóa đơn về trước, hàng về sau.

Hàng và hóa đơn cùng về

Trường hợp này, kế toán hạch toán như trường hợp mua hàng trực tiếp. Cụ thể hạch toán như sau:

– Nếu doanh nghiệp kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ:

Nợ TK 156: Giá mua chưa có thuế GTGT

Nợ TK 1331: Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có TK 111, 112, 331…: Tổng giá thanh toán

– Nếu doanh nghiệp kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp:

Nợ TK 156: Tổng giá thanh toán.

Có TK 111, 112, 331…: Tổng giá thanh toán.

Hàng về trước, hóa đơn về sau

Trong trường hợp này, kế toán xử lý như sau:

– Trong tháng nhận được hóa đơn, kế toán ghi sổ như trường hợp hàng và hóa đơn cùng về.

– Đến cuối tháng, nếu vẫn chưa nhận được hóa đơn, doanh nghiệp tiến hành đối chiếu với hợp đồng, làm căn cứ kiểm nhận và lập phiếu nhập kho theo số thực nhận. Kế toán ghi sổ theo giá tạm tính (chưa có thuế).

– Đến tháng sau, khi nhận được hóa đơn: kế toán ghi nhận thuế giá trị gia tăng được khấu trừ. Nếu có sự chênh lệch giữa giá tạm tính và giá thực tế theo hóa đơn thì kế toán phải tiến hành điều chỉnh. Có 2 cách điều chỉnh như sau:

+ Cách 1: Xóa bút toán ghi theo giá tạm tính sau đó ghi lại bút toán mới theo giá trên hóa đơn.

+ Cách 2: Ghi bút toán để điều chỉnh tăng/giảm chênh lệch giữa giá tạm tính và giá thực tế (ghi bổ sung hoặc ghi âm).

Hạch toán cụ thể như sau:

Khi hóa đơn chưa về, kế toán ghi sổ theo giá tạm tính

Nợ TK 156: Giá tạm tính

Có TK 111, 112, 331…: Giá tạm tính

Khi hóa đơn về

– Trường hợp giá trên hóa đơn = giá tạm tính: lúc này kế toán chỉ cần ghi nhận thuế giá trị gia tăng được khấu trừ.

Nơ TK 1331: Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ theo hóa đơn.

Có TK 111,112, 331…

– Trường hợp giá trên hóa đơn > giá tạm tính: kế toán xóa bút toán tạm tính để ghi bút toán mới hoặc điều chỉnh tăng. Dưới đây là hướng dẫn hạch toán theo cách điều chỉnh tăng:

Nợ TK 156: Chênh lệch giữa giá tạm tính và giá thực tế.

Nợ TK 1331: Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ (theo hóa đơn).

Có TK 111, 112, 331…

Trường hợp giá trên hóa đơn < giá tạm tính: kế toán xóa bút toán tạm tính để ghi bút toán mới hoặc điều chỉnh giảm. Dưới đây là hướng dẫn hạch toán theo cách điều chỉnh giảm:

Nợ TK 111, 112, 331…

Nợ TK 1331: Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ (theo hóa đơn).

Có TK 156: Chênh lệch giữa giá tạm tính và giá thực tế.

Hóa đơn về trước, hàng về sau

Hướng dẫn hạch toán kế toán mua hàng theo phương thức gửi hàng

Trường hợp này có thể hiểu là hàng mua đang đi đường. Kế toán xử lý như sau:

– Khi nhận được hóa đơn, kế toán lưu hóa đơn vào tập hồ sơ “ Hàng mua đang đi đường”.

– Nếu trong tháng hàng hóa về nhập kho thì kế toán ghi sổ như trường hợp Hàng về, hóa đơn cùng về bên trên.

– Nếu cuối tháng, hàng hóa chưa về thì căn cứ vào hóa đơn, kế toán ghi theo bút toán sau:

+ Nếu doanh nghiệp kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ:

Nợ TK 151 – hàng mua đang đi đường (Giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 1331: Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có TK 111, 112, 331…

+ Nếu doanh nghiệp kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp:

Nợ TK 151- Hàng mua đang đi đường (Tổng giá thanh toán)

Có TK 111, 112, 331…

– Sang tháng sau, khi hàng hóa về nhập kho hoặc bán thẳng, kế toán ghi theo bút toán:

Nợ TK 156, 632

Có TK 151 – Hàng mua đang đi đường

Trên đây là các hướng dẫn hạch toán cho nghiệp vụ mua hàng theo phương thức gửi hàng. Mời bạn đọc tham khảo để chủ động trong công việc của mình. Chúc các bạn thành công.

Xem thêm:

Hướng dẫn định khoản khi mua hàng theo Thông tư 200

Các phương thức Thanh toán mua hàng bạn nên ghi nhớ

Phương pháp kế toán tài khoản 611 – Mua hàng theo Thông tư 200

Mời tải về mẫu thông báo phát hành hóa đơn mới nhất

Tải về Quyết định 983/QĐ-BTC về việc công bố danh mục báo cáo định kỳ