Nổi bật 1 Sự khác nhau giữa biên bản thu hồi hóa đơn và biên...

Sự khác nhau giữa biên bản thu hồi hóa đơn và biên bản hủy hóa đơn

1319
Sự khác nhau giữa biên bản thu hồi hóa đơn và biên bản hủy hóa đơn

Khi lập hóa đơn, nếu có sai sót dù lớn hay nhỏ thì đều phải thu hồi để điều chỉnh, sửa chữa hoặc hủy hóa đơn rồi lập hóa đơn khác. Trong bài viết này, Ketoan.vn sẽ cùng các bạn tìm hiểu sự khác nhau giữa biên bản thu hồi hóa đơn và biên bản hủy hóa đơn.

Sự khác nhau giữa biên bản thu hồi hóa đơn và biên bản hủy hóa đơn

1. Biên bản thu hồi hóa đơn

a. Khi nào cần lập biên bản thu hồi hóa đơn

Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Hoặc hóa đơn đã lập và giao cho người mua, người bán và người mua chưa kê khai thuế. Nếu phát hiện sai phải hủy bỏ. Người bán và người mua lập biên bản thu hồi các liên của số hóa đơn đã lập sai. Biên bản thu hồi hóa đơn phải thể hiện được lý do thu hồi hóa đơn. Người bán gạch chéo các liên lưu giữ số hóa đơn lập sai và lập lại hóa đơn mới theo quy định.

b. Những chú ý khi lập Biên bản thu hồi hóa đơn

  • Ngày trên biên bản thu hồi hóa đơn và ngày trên hóa đơn mới phải giống nhau.
  • Trên biên bản cần thể hiện rõ: Lý do thu hồi, thu hồi hóa đơn số… ngày… tháng… ký hiệu…, và xuất hóa đơn mới số… ngày… tháng… ký hiệu…
  • Sau khi lập xong 2 bên phải ký và ghi rõ họ tên ( thông thường sẽ là người đại diện pháp luật) và đóng dấu và biên bản xác nhận=> Xuất lại hóa đơn mới.

c. Ví dụ minh họa

Vào ngày 10/02/2019, Công ty A bán hàng và đã lập hóa đơn GTGT giao cho khách hàng. Tuy nhiên, đến ngày 15/02/2019 Công ty A phát hiện ra đơn giá ghi trên hóa đơn bị sai. Lúc này Công ty A sẽ phải tiến hành lập biên bản thu hồi hóa đơn GTGT sau đó xuất lại hóa đơn mới có đoan giá đúng cho khách hàng.

2. Biên bản hủy hóa đơn:

a. Khái niệm

Biên bản bản hủy hóa đơn là biên bản ghi nhận lại diễn biến sự việc đã diễn ra trong quá trình hủy hóa đơn mà đối tượng thực hiện hủy cũng đồng thời là đối tượng nắm giữ và sử dụng hóa đơn. Biên bản hủy hóa đơn dùng để ghi nhận việc sai sót hóa đơn dẫn đến phải hủy và cam kết hai bên không kê khai thuế hóa đơn đã viết sai phải hủy. Theo thông tư 39/2014/TT-BTC doanh nghiệp khi cung ứng hàng hóa dịch vụ có hóa đơn viết sai thực hiện thủ tục lập biên bản thu hồi hóa đơn và biên bản điều chỉnh hóa đơn thay cho mẫu biên bản hủy hóa đơn cũ.

b. Các trường hợp hủy hóa đơn:

  • Hóa đơn đặt in bị in sai, in trùng, in thừa phải được hủy trước khi thanh lý hợp đồng đặt in hóa đơn.
  • Tổ chức, hộ, cá nhân có hóa đơn không tiếp tục sử dụng phải thực hiện hủy hóa đơn. Thời hạn hủy hóa đơn chậm nhất là ba mươi (30) ngày, kể từ ngày thông báo với cơ quan thuế.
  • Các loại hóa đơn đã lập của các đơn vị kế toán được hủy theo quy định của pháp luật về kế toán.
  • Các loại hóa đơn chưa lập nhưng là vật chứng của các vụ án thì không hủy mà được xử lý theo quy định của pháp luật.

c. Thủ tục hủy hóa đơn:

– Hủy hóa đơn của tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh

  • Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh phải lập Bảng kiểm kê hóa đơn cần hủy.
  • Tổ chức kinh doanh phải thành lập Hội đồng hủy hóa đơn. Hội đồng hủy hóa đơn phải có đại diện lãnh đạo, đại diện bộ phận kế toán của tổ chức.
  • Hộ, cá nhân kinh doanh không phải thành lập Hội đồng khi hủy hóa đơn.
  • Các thành viên Hội đồng hủy hóa đơn phải ký vào biên bản hủy hóa đơn và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có sai sót.

– Hủy hóa đơn của cơ quan thuế:

  • Cơ quan thuế thực hiện hủy hóa đơn do Cục thuế đặt in đã thông báo phát hành chưa bán hoặc chưa cấp nhưng không tiếp tục sử dụng.
  • Tổng cục Thuế có trách nhiệm quy định quy trình hủy hóa đơn do Cục thuế đặt in.

d. Ví dụ minh họa

Công ty A đã thông báo phát hành hóa đơn GTGT với số lượng 5 cuốn tương đương 250 số. Kể từ khi thông báo phát hành đến ngày 20/4/2019, Công ty A đã sử dụng 4 cuốn tương đương 200 số. Vào ngày 21/4/2019, Công ty A thay đổi địa chỉ đặt trụ sở kinh doanh và đã thực hiện xong thủ tục cấp giấy chứng nhận ĐKKD mới. Địa chỉ ghi trên hóa đơn đang sử dụng sẽ không còn trùng với địa chỉ mới và Công ty A cũng không có nhu cầu tiếp tục sử dụng số hóa đơn GTGT còn tồn 1 cuốn ( tương ứng 50 số). Do đó Doanh nghiệp này thành lập hội đồng tiến hành hủy toàn bộ số hóa đơn 50 số đó theo quy định tại Điều 29 Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014.

Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã hiểu rõ hơn về sự khác nhau giữa biên bản thu hồi hóa đơn và biên bản hủy hóa đơn. Chúc các bạn thành công!

Xem thêm

Mời bạn đọc tải về mẫu Biên bản thu hồi hóa đơn đã lập

Tải về mẫu tờ trình hồ sơ đề nghị cấp hóa đơn bán lẻ

Những quy định về hóa đơn năm 2020 có thể bạn chưa biết

Cách đơn giản để nhận biết các loại hóa đơn điện tử

Những điểm nổi bật cần lưu ý khi sử dụng hóa đơn trực tiếp