Chế Độ Kế Toán Chuẩn mực kế toán Tìm hiểu chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 38 (Intangible Assets)...

Tìm hiểu chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 38 (Intangible Assets) – Tài sản vô hình

3993
Tìm hiểu chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 38 (Intangible Assets) - Tài sản vô hình

IAS 38 trình bày các phương pháp kế toán đối với những tài sản vô hình. Hãy cùng tìm hiểu chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 38 tại bài viết dưới đây.

Tìm hiểu chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 38 (Intangible Assets) - Tài sản vô hình

I. Mục đích và phạm vi áp dụng của IAS 38

1. Mục đích

Mục đích của IAS 38 là trình bày các phương pháp kế toán đối với tài sản vô hình. Chuẩn mực IAS 38 yêu cầu doanh nghiệp chỉ được ghi nhận một tài sản vô hình khi và chỉ khi một số tiêu chuẩn được đáp ứng. Chuẩn mực này cũng trình bày cách xác định giá trị ghi sổ và các yêu cầu đối với việc trình bày thông tin về tài sản vô hình.

2. Phạm vi áp dụng

IAS 38 áp dụng cho kế toán tài sản vô hình, trừ các trường hợp sau:

  • Tài sản vô hình thuộc phạm vi quy định của chuẩn mực khác.
  • Tài sản tài chính, theo chuẩn mực IAS 32.
  • Tài sản liên quan đến quá trình thăm dò và đánh giá trữ lượng của các mỏ khoáng sản.
  • Chi phí phát triển và khai thác khoáng sản, dầu mỏ, khí tự nhiên và các nguồn tài nguyên không tái tạo khác.

II. Tiêu chuẩn ghi nhận

Tài sản vô hình được ghi nhận khi:

  • Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó.
  • Giá trị tài sản phải được xác định một cách đáng tin cậy.

III. Xác định giá trị tại thời điểm ban đầu

Tài sản vô hình được xác định giá trị tại thời điểm ban đầu theo giá gốc.

1. Mua tài sản vô hình riêng biệt

– Nguyên giá của tài sản vô hình được mua riêng biệt bao gồm:

  • Giá mua, trừ các khoản chiết khấu thương mại và giảm giá.
  • Các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại).
  • Các khoản chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào sử dụng theo dự tính.

2. Tài sản vô hình mua sắm được thanh toán theo phương thức trả chậm

Nguyên giá của tài sản vô hình được phản ánh theo giá mua trả ngay, khoản chênh lệch được ghi nhận vào chi phí tiền lãi trong kỳ, trừ khi được vốn hóa theo quy định của IAS 23.

3. Tài sản vô hình được mua từ việc hợp nhất kinh doanh

Nguyên giá là giá trị hợp lý của tài sản đó. Theo IFRS 3 tại ngày mua bên mua phải ghi nhận tài sản vô hình của bên bị mua tách biệt khỏi lợi thế thương mại, bất kể tài sản này trước hợp nhất đã được ghi nhận bởi bên bị mua hay chưa.

4. Tài sản vô hình hình thành từ việc trao đổi

Nguyên giá tài sản được xác định theo giá trị hợp lý trừ khi:

  • Giao dịch trao đổi không có yếu tố thương mại.
  • Giá trị hợp lý của tài sản nhận về và mang trao đổi không thể xác định được đáng tin cậy.

Nếu tài sản không được ghi nhận theo giá trị hợp lý thì nguyên giá của nó được xác định theo giá trị ghi sổ (giá trị còn lại) của tài sản đem trao đổi,

5. Lợi thế thương mại tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp

Lợi thế thương mại tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp không được ghi nhận là tài sản. Bởi vì nó không phải là nguồn lực có thể xác định, không đánh giá được một cách đáng tin cậy và doanh nghiệp không kiểm soát được.

6. Tài sản vô hình tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp

– Giai đoạn nghiên cứu: toàn bộ chi phí phát sinh trong giai đoạn nghiên cứu không được ghi nhận là tài sản vô hình. Nó được ghi nhận là chi phí sản xuất trong kỳ phát sinh.

– Giai đoạn triển khai: tài sản vô hình tạo ra trong giai đoạn triển khai được ghi nhận là tài sản vô hình nếu thỏa mãn được 6 điều kiện sau:

  • Tính khả thi về mặt kỹ thuật đảm bảo cho việc hoàn thành và đưa tài sản vô hình vào sử dụng theo dự tính hoặc để bán.
  • Doanh nghiệp dự định hoàn thành tài sản vô hình để sử dụng hoặc để bán.
  • Doanh nghiệp có khả năng sử dụng hoặc bán tài sản vô hình đó.
  • Tài sản vô hình đó phải tạo ra được lợi ích kinh tế trong tương lai.
  • Có đầy đủ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính và các nguồn lực khác để hoàn tất các giai đoạn triển khai, bán hoặc sử dụng tài sản vô hình đó.
  • Có khả năng xác định một cách chắc chắn toàn bộ chi phí trong giai đoạn triển khai.

IV. Ghi nhận chi phí

Chi phí liên quan đến tài sản vô hình phải được ghi nhận là chi phí trong kỳ. Trừ trường hợp:

  • Khoản chi phí này đáp ứng được tiêu chuẩn ghi nhận của tài sản vô hình.
  • Khoản mục này được mua trong quá trình hợp nhất kinh doanh và không được ghi nhận là tài sản vô hình.

V. Xác định giá trị sau ghi nhận ban đầu

Doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng mô hình giá gốc hoặc mô hình đánh giá lại để xác định giá trị tài sản vô hình sau khi nhận ban đầu. Nếu doanh nghiệp áp dụng mô hình đánh giá lại để kế toán cho một khoản mục tài sản vô hình, toàn bộ tài sản vô hình cùng nhóm sẽ phải được kế toán theo mô hình này trừ khi không có thị trường hoạt động cho các tài sản đó.

1. Mô hình giá gốc

Sau ghi nhận ban đầu, tài sản vô hình được xác định bằng nguyên giá trừ khấu hao lũy kế và lỗ tổn thất lũy kế.

2. Mô hình đánh giá lại

Giá trị tài sản sau ghi nhận ban đầu được ghi nhận theo giá trị đã đánh giá lại. Giá trị này được xác định là giá trị hợp lý tại thời điểm đánh giá lại trừ số khấu hao lũy kế và các khoản lỗ tổn thất tài sản (được tính toán lại) sau thời điểm đánh giá lại.

Phần chênh lệch tăng do đánh giá lại được ghi vào phần Báo cáo thu nhập khác dưới tên gọi thặng dư đánh giá lại. Hoặc hạch toán là một khoản thu nhập trong Báo cáo lãi lỗ nếu nó bù trừ vào phần giảm do đánh giá lại chính tài sản đó mà trước đây đã hạch toán vào chi phí trong Báo cáo lãi lỗ.

Phần chênh lệch giảm do việc đánh giá lại được hạch toán và Báo cáo lãi lỗ hoặc bù trừ vào các khoản chênh lệch tăng khi phần chênh lệch giảm không vượt quá chênh lệch tăng của chính tài sản đó.

Chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản sẽ được ghi chuyển vào lợi nhuận giữ lại:

  • Khi tài sản được thanh lý hoặc bán.
  • Tương ứng với thời gian tài sản được sử dụng tại doanh nghiệp.

VI. Thời gian sử dụng hữu ích của tài sản

1. Tài sản vô hình với thời gian sử dụng xác định

Giá trị phải tính khấu hao của tài sản vô hình có thời gian sử dụng hữu ích xác định cần được phân bổ một cách có hệ thống trong suốt thời gian hữu ích của nó.

Giá trị thanh lý củaTSVH với thời gian sử dụng xác định được coi là bằng 0 trừ khi:

– Có một bên thứ ba cam kết mua lại tài sản khi hết thời gian sử dụng hữu ích.

– Hoặc có thị trường hoạt động cho tài sản đó và thỏa mãn:

  • Giá trị thanh lý có thể xác định dựa trên thị trường đó.
  • Có thể chắc chắn thị trường hoạt động cho tài sản này vẫn hoạt động tại thời điểm kết thúc thời gian sử dụng hữu ích của tài sản.

Doanh nghiệp phải xem xét lại thời gian khấu hao, phương pháp khấu hao vào cuối mỗi năm tài chính.

2. Tài sản vô hình với thời gian sử dụng không xác định

Tài sản vô hình với thời gian sử dụng không xác định sẽ không được khấu hao nhưng phải kiểm tra tài sản có bị giảm giá hay không. Kiểm tra bằng cách so sánh giữa giá trị có thể thu hồi được với giá trị ghi sổ của chúng.

Thời gian sử dụng hữu ích của TSVH không được khấu hao cần phải được xem xét vào mỗi kỳ kế toán.

VII. Dừng ghi nhận tài sản vô hình

Tìm hiểu chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 38 - Tài sản vô hình

TSVH dừng ghi nhận khi doanh nghiệp không thu được lợi ích kinh tế từ việc sử dụng hoặc bán tài sản.

Lãi hay lỗ phát sinh do thanh lý tài sản = thu nhập – chi phí thanh lý + giá trị còn lại của tài sản. Số lãi, lỗ này được ghi nhận là một khoản thu nhập hay chi phí trên báo cáo lãi lỗ trong kỳ.

Khi tài sản vô hình bị suy giảm giá trị, tổn thất được hạch toán theo IAS 36.

VIII. Trình bày Báo cáo tài chính

IAS 38 yêu cầu doanh nghiệp phải trình bày theo từng loại tài sản vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp và tài sản vô hình được hình thành từ các nguồn khác về những thông tin sau:

  • Thời gian sử dụng hữu ích là không xác định hay xác định.
  • Phương pháp xác định nguyên giá tài sản vô hình.
  • Phương pháp khấu hao.
  • Giá trị ghi sổ, khấu hao lũy kế và tổn thất tài sản tại đầu kỳ và cuối kỳ.
  • Các khoản mục của báo cáo lãi lỗ ảnh hướng bởi khấu hao tài sản vô hình.
  • Tăng hoặc giảm tài sản vô hình do đánh giá lại tài sản.
  • Lỗ tổn thất.
  • Nguyên giá, số khấu hao lũy kế, giá trị còn lại và thời gian khấu hao còn lại của từng tài sản vô hình có vị trí quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản của doanh nghiệp.
  • Giá trị còn lại của tài sản vô hình đã dùng để thế chấp cho các khoản nợ phải trả.
  • Các cam kết về mua, bán tài sản vô hình có giá trị lớn trong tương lai.
  • Giải trình khoản chi phí trong giai đoạn nghiên cứu và chi phí trong giai đoạn triển khai.

Xem thêm:

Tải về toàn bộ Luật Thương mại số 36/2005/QH11

Bị mất việc vì Covid-19, bạn sẽ được hưởng những trợ cấp gì?

Hạch toán tài khoản 344 – Nhận ký quỹ, ký cược chuẩn theo Thông tư 200