Tài sản Tài sản cố định Cách phân biệt hao mòn và khấu hao tài sản cố định...

Cách phân biệt hao mòn và khấu hao tài sản cố định nhanh và đơn giản nhất

10647
House sitting on calculator isolated on white background

Hao mòn và khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) là những thuật ngữ không còn xa lạ với dân kế toán. Tuy nhiên, không phải ai cũng phân biệt được sự khác nhau giữa hai thuật ngữ này. Hãy cùng Ketoan.vn tìm hiểu tại bài viết sau.

Điểm giống nhau giữa hao mòn và khấu hao TSCĐ

Hao mòn và khấu hao đều làm giảm giá trị của tài sản cố định.

Trong từng kỳ kế toán, doanh nghiệp phải tính toán và phân bổ giá trị tài sản cố định vào chi phí kinh doanh.

Sự khác nhau giữa hao mòn và khấu hao tài sản cố định

Hao mòn tài sản cố định

– Hao mòn tài sản cố định là sự giảm dần về giá trị và giá trị sử dụng do tham gia vào các hoạt động, do bào mòn tự nhiên, do tiến bộ kỹ thuật… trong quá trình hoạt động của tài sản cố định.

Có hai loại hao mòn tài sản cố định:

+ Hao mòn hữu hình: là sự hao mòn vật lý trong quá trình sử dụng. Do hao mòn hữu hình nên tài sản cố định mất dần giá trịsử dụng ban đầu. Đến cuối cùng phải thay mới tài sản cố định.

+ Hao mòn vô hình: là sự giảm giá trị của tài sản cố định do tiến bộ của kỹ thuật.

– Hao mòn là hiện tượng mang tính chất khách quan. Tài sản trong quá trình sử dụng sẽ bị hao mòn dưới tác động của môi trường (nhiệt độ, độ ẩm,…).

– Mục đích tính hao mòn: Giúp đơn vị dễ dàng quản lý và sử dụng tài sản cố định. Giúp đơn vị biết được khi nào cần phải thay mới tài sản cố định.

– Phương pháp tính hao mòn tài sản cố định:

Hao mòn TSCĐ = Nguyên giá x Tỷ lệ hao mòn/năm

Khấu hao tài sản cố định

– Khấu hao tài sản cố định là sự phân bổ một cách có hệ thống giá trị phải khấu hao của tài sản cố định trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản đó vào giá trị sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được sáng tạo ra.

– Khấu hao là biện pháp mang tính chủ quan của con người.

– Mục đích tính khấu hao:

+ Giúp đơn vị tập hợp chi phí sản xuất kinh doanh kịp thời, chính xác.

+ Giúp đơn vị thu hồi dần vốn đầu tư.

– Phương pháp tính khấu hao:

Khấu hao TSCĐ = Nguyên giá x Tỷ lệ khấu hao TSCĐ

Những tài sản cố định không phải trích khấu hao trong doanh nghiệp

Điều 9 Thông tư 45/2013-TT/BTC quy định các TSCĐ không phải trích khấu hao như sau:

– TSCĐ đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn đang sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

– TSCĐ khấu hao chưa hết bị mất.

– TSCĐ khác do doanh nghiệp quản lý mà không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ TSCĐ thuê tài chính).

– TSCĐ không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp.

– TSCĐ sử dụng trong các hoạt động phúc lợi phục vụ người lao động của doanh nghiệp (trừ các TSCĐ phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp)

– TSCĐ từ nguồn viện trợ không hoàn lại sau khi được cơ quan có thẩm quyền bàn giao cho doanh nghiệp để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

– TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất lâu dài có thu tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâu dài hợp pháp.

Các tài sản cố định không phải trích hao mòn, khấu hao trong đơn vị, cơ quan nhà nước

Cách phân biệt hao mòn và khấu hao TSCĐ cho kế toán

Khoản 3 Điều 12 Thông tư 45/2018/TT-BTC quy định trong đơn vị, cơ quan nhà nước các loại tài sản cố định sau đây không phải tính hao mòn:

– Tài sản cố định là quyền sử dụng đất.

– Tài sản cố định đặc thù .

– Tài sản cố định đơn vị thuê sử dụng.

– Tài sản cố định bảo quản hộ, giữ hộ, cất giữ hộ Nhà nước.

– Tài sản cố định đã tính đủ hao mòn hoặc đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn còn sử dụng được.

– Các tài sản cố định chưa tính hết hao mòn hoặc chưa khấu hao hết giá trị nhưng đã hỏng không tiếp tục sử dụng được.

Trên đây là các thông tin về hao mòn và khấu hao tài sản cố định. Hy vọng thông tin đã giúp ích cho bạn đọc. Chúc các bạn thành công.

Xem thêm:

Hàng tồn kho là gì? Phương pháp kế toán và cách xác định giá trị hàng tồn kho cuối kỳ

Mời tải về mẫu bảng chấm công theo ca (file Excel)

Đã có quy định xử phạt hành chính đối với các vi phạm về đóng BHXH bắt buộc, BHTN